""

Kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả, giúp bé phát triển

Tất cả mọi người đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất dành cho sự phát triển toàn diện của bé! Nhưng thực tế nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào hiệu quả nhất cho mẹ và bé? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Nuôi con bằng sữa mẹ

Vì sao nên nuôi con bằng sữa mẹ?

Trước khi tìm hiểu tại sao các bác sĩ, chuyên gia luôn luôn khuyên mọi người nên nuôi con bằng sữa mẹ, các bạn cần biết sữa mẹ có gì tốt? thành phần dinh dưỡng như thế nào nhé!

– Nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ:

  • Nước: Đóng góp 50% vào sự hình thành nên sữa mẹ.
  • Protein: Có rất nhiều protein trong sữa mẹ, đảm nhận vai trò chính trong việc hình thành, chuyển hóa trong cơ thể của trẻ.
  • Chất béo: Axit béo thiết yếu và các axit béo chuỗi dài không no.
  • Carbohydrates: Các carbohydrate chính của sữa mẹ là đường lactose.
  • Khoáng chất, vitamin và nguyên tố vi lượng.
  • Các thành phần liên quan đến miễn dịch và các yếu tố tăng trưởng mà không thể có trongsữa công thức bao gồm:
    • IgA – immunoglobulin chiếm ưu thế trong sữa mẹ. IgA có tác dụng chống lại vi trùng xâm nhập bằng cách hình thành một lớp bảo vệ trên các màng nhầy trong ruột, mũi, họng của con bạn.
    • Cytokine hoạt tính sinh học, bao gồm các yếu tố kích thích tăng trưởng ở trẻ sơ sinh.

– Thành phần của các chất dinh dưỡng quan trọng được tìm thấy trong sữa mẹ (được tính trong 100ml) cụ thể:

  • Năng lượng: 280 (kJ)
  • Năng lượng: 67 (kcal)
  • Protein: 1.5 (g)
  • Chất béo: 3.2 (g)
  • Carbohydrate: 7.0 (g)
  • Natri: 15 (mg)
  • Canxi: 35 (mg)
  • Phốt pho: 15 (mg)
  • Sắt: 2 ( mg)
  • Vitamin A: 45 (mcg)
  • Vitamin C: 4 (mg)
  • Vitamin D: 0.01 (mcg)

Với những thành phần chất dinh dưỡng như này, việc cho bé bú mẹ không chỉ có lợi cho bé mà còn có lợi cho mẹ trên nhiều phương diện. Cụ thể:

– Đối với bé:

  • Sữa mẹ trong cơ thể mẹ luôn duy trì ở nhiệt độ nhất định, luôn tươi ngon và vô trùng thích hợp và an toàn cho bé nhất!
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho bé bảo vệ sức khỏe dài lâu
  • Hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai cấp tính, niễm trùng đường hô hấp dưới cho bé
  • Tránh nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và chàm dị ứng
  • Các bé gái được nuôi bằng sữa mẹ thường giảm được nguy cơ mắc ung thư vú đến 25%
  • Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên giúp chỉ số IQ của bé tăng 3.8 điểm so với trẻ không được bú mẹ đầy đủ. Như vậy bé sẽ thông minh hơn, tiếp thu nhanh hơn.
  • Sữa mẹ tốt cho thị lực, hệ thần kinh, và ruột của bé
  • Thành phần protein trong sữa mẹ không gây dị ứng cho bé như 1 số loại sữa công thức
  • Trẻ hấp thụ chất sắt trong sữa mẹ hiệu quả hơn sữa công thức

Nuôi con bằng sữa mẹ

– Đối với mẹ:

  • Việc cơ thể tích lũy các chất dinh dưỡng và các chất béo trong giai đoạn thai kỳ thứ 2 và thứ 3 là để có nguồn dinh dưỡng dưỡng tốt cho bé bú. Như vậy, khi nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ sẽ nhanh chóng lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai hơn.
  • Ngoài lấy lại vóc dáng thì việc cho con bú, sẽ giúp tử cung trở lại hình dạng và kích thước như ban đầu. Thực tế, khi bé bú thì tư cung co bóp, loại bỏ dần các sản phẩm còn xót lại như nhau thai và màng nhầy, cơ thể mẹ cũng sẽ chấm dứt hiện tượng chảy máu âm đạo sau sinh nhanh hơn.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh: ung thư buồng trứng, ung thư vú, loãng xương và bệnh tiểu đường
  • Mẹ có thể tận dùng thời gian cho con bú để có thể nghỉ ngơi
  • Tiết kiệm thời gian pha sữa và chi phí mua sữa công thức. Như các bạn biết đấy, sữa tăng cân cho bé không hề rẻ đâu nhé, thường vài trăm nghìn một hộp. Trong khi đó nhu cầu sử dụng sữa của bé khá cao. Vì vậy nếu nuôi con bằng sữa mẹ được thì sẽ tiết kiệm chi phí rất nhiều cho gia đình mỗi tháng.

Sữa mẹ như thế nào là tốt? Cách nhận biết?

Sữa mẹ tốt cho sự phát triển của bé! Nhưng không phải mẹ nào cũng có nguồn sữa tốt đâu nhé! Mẹ cần nhận biệt được sữa của mình có thật sự tốt không để có biện pháp cải thiện kịp thời nhé!

Để nhận biết tình trang sữa mẹ là tốt hay xấu cho con, mẹ có thể đánh giá qua những yếu tố dưới đây:

Màu sữa mẹ

Thông qua màu sắc, mẹ cũng có thể phần nào đánh giá khá chính xác tình trạng tốt xấu của sữa như nào nhé! Mẹ có thể theo dõi màu sữa theo từng giai đoạn điển hình như:

– Sữa non sẽ xuất hiện sau 12h sinh. Chúng có màu vàng nhẹ hoặc sắc vàng đặc trưng như ngô ngọt vì chúng chứa thành phần kháng thể cao.

– 1 tuần sau sinh: sữa non sẽ thành sữa trưởng thành có màu xanh nhạt hoặc xanh non. Nhiều khi sữa có màu trắng trong nữa nhé!

– Những tuần tiếp theo sữa sẽ có màu đậm dần do thành phần chất đạm trong đó. Chúng chuyển sang màu trắng đục!

Nuôi con bằng sữa mẹ

Ngoài ra trong quá trình cho con bú, chế độ dinh dưỡng của mẹ có thể khiến sữa có những màu khác nhau. Ví dụ như:

  • Màu hồng: Mẹ ăn nhiều đồ màu đỏ như rau dền
  • Màu vàng: Thực đơn dinh dưỡng cho mẹ sau sinh có nhiều thực phầm màu vàng, da cam như cà rốt, bí ngô
  • Màu xanh non: Do mẹ ăn nhiều thực phầm có nhiều màu xanh như rong biển
  • Màu trắng, vón cục: Nếu như sữa được vắt hút ra bình hoặc túi, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hiện tượng vón cục thì khả năng mẹ đang ở thời kỳ đầu của viêm tuyến vú. Khi thấy hiện tượng này mẹ nên đi khám bác sĩ. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể cho trẻ uống sữa này.
  • Màu ngả đục: Với những mẹ phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì sữa có thể chuyển thành màu xám hoặc ngả đục nhé!

Lượng sữa mẹ tiết ra

Một dòng sữa tốt không chỉ có thành phần sữa mà mẹ phải đảm bảo cung cấp đủ số lượng sữa con cần.

  • 24h sau sinh: Bé chưa ăn được nhiều, nên mẹ chỉ tiết ra khoảng 35ml sữa non là được, mỗi lần bé sẽ bú từ 7-14ml
  • 1-6 tháng tuổi: Mỗi ngày bé cần ít nhất từ 600-900ml sữa.
  • 6-12 tháng: Mỗi bé cần từ 700ml – 1200ml/ ngày. Ngoài ra bé cần kết hợp với thực đơn ăn dặm phù hợp nữa nhé!

Tình trạng sức khỏe của mẹ

Tình trạng sức khỏe của mẹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Trong suốt thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, nếu mẹ khỏe mạnh, tâm lý thoải mái, ăn uống ngon miệng, chế độ dinh dưỡng khoa học thì chắc chắn sẽ có nguồn sữa tốt cho con.

Nhưng nếu trong thời gian cho con bú, mẹ bị ốm cần dùng đến thuốc thì sữa sẽ ảnh hưởng phần nào. Cụ thể:

  • Mẹ bị cảm, sốt: Chỉ điều trị bằng các phương thuốc đông y không nên sử dụng thuốc kháng sinh nếu mẹ đang cho con bú.
  • Mẹ bị động kinh: Không nên cho con bú bởi trong sữa mẹ có chứa các vị thuốc như Luminal, Vilium, Phenytoin sodium…có thể gây nên những phản ứng không tốt đối với trẻ nhỏ.
  • Mẹ bị viêm gan: Các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên nuôi con bằng sữa mẹ vì Chất HBsAg qua sữa mẹ truyền vào cho trẻ. Những người mẹ này tuỵệt đối không được hôn hít con, càng không được mớm cho con ăn.
  • Mẹ bị nhiễm HIV: HIV có thể lây nhiễm qua sữa mẹ. Chính vì thế, các mẹ bị nhiễm bệnh này cần phải nuôi con bằng sữa công thức và các loại thức ăn ăn dặm nhé!

Thông qua sự phát triển của bé

Nếu sữa mẹ tốt chắc chắn bé sẽ phát triển cân nặng đều đều và ổn định. Thông thường, trong 3 tháng đầu, bé tăng từ 1-1.2kg/ tháng, từ tháng thứ 3-6 bé tăng khoảng 600g/ tháng. Những tháng tiếp theo bé tăng chậm hơn 1 chút chỉ khoảng 300-400g/ tháng thôi.

Ngoài tăng cân, thì chiều cao của bé cũng sẽ tăng lên 1.5 lần trong vòng 12 tháng đầu, Chu vi vòng đầu tăng lên khoảng 11 cm. Các mẹ nên chú ý những vấn đề này trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ để có biện pháp thay đổi kịp thời.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Làm thế nào để cải thiện chất lượng nguồn sữa mẹ?

Tùy từng trường hợp, các mẹ sẽ áp dụng những phương pháp cải thiện chất lượng sữa khác nhau.

– Mẹ bị mắc 1 số bệnh trong quá trình cho con bú: cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia về việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị để hạn chế ảnh hưởng đến nguồn sữa.

– Mẹ sức khỏe bình thường, không bị bệnh nhưng chất lượng sữa xấu thì cần phải kết hợp các yếu tố dưới đây:

  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng sinh dưỡng, bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Sau sinh, sản phụ nên bổ sung các thực phẩm có hàm lượng sắt, canxi cao, ưu tiên ăn những món ăn mát sữa, lợi sữa và tránh những thực phẩm gây mất sữa.
  • Luôn để tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng
  • Tích cực đẻ bé bú và cho con bú đúng cách
  • Đảm bảo các dụng cụ máy hút sữa, túi trữ sữa sạch sẽ, vệ sinh.
  • Sử dụng thảo dược tiết sữa, giúp mẹ ăn ngon dễ hấp thu chuyển hóa nguồn dinh dưỡng tối tới con

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả nhất

Thực tế việc này không hề khó nhưng rất nhiều mẹ vẫn gặp phải nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện khiến mẹ muốn bỏ cuộc thậm chí rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh. Vậy nên, nếu chị em nào đang rơi vào hoàn cảnh đó, hãy tham khảo nguyên tắc dưới đây nhé!

Không tự ý vắt sữa non trước khi sinh

Trước khi sinh, bầu ngực mẹ đã có sữa từ quý thứ 2 của thai kỳ. Sữa non đặc sánh chứa ít lactose, chất béo và vitamin tan trong nước nhưng lại rất giàu vitamin tan trong chất béo, protein và các tế bào miễn dịch. Đây là nguồn dinh dưỡng vô cùng tốt đối với trẻ sơ sinh

Vì vậy rất nhiều mẹ đã vắt sữa trước khi sinh để con bú được nhiều hơn. Nhưng thực tế đây là việc làm rất nguy hiểm. Những tác động tác kích thích lên đầu vú khi vắt sữa non sẽ làm tăng tiết hormone oxytocin nội sinh, tạo ra những cơn co thắt tử cung không mong muốn và có thể khiến người mẹ sinh non.

Chỉ những người mẹ mắc bệnh truyền nhiễm mới cần vắt sữa trước khi sinh nhưng vẫn phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ nhé!

Da kề da ngày sinh

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo, trẻ sơ sinh cần được tiếp xúc da kề da với mẹ ngay khi chào đời. Như vậy sẽ giảm sốc cho trẻ khi phải ra khỏi tử cung, giúp trẻ ổn định thân nhiệt, điều hòa nhịp thở đồng thời giúp giúp trẻ hình thành phản xạ tìm vú mẹ.

Chưa kể đây còn là biện pháp giúp mẹ giảm đau, kích thích cơ thể tiết ra hormone “tình yêu” oxytocin để giải phóng và tăng tiết sữa.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Cho bé bú càng sớm càng tốt

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ càng sớm càng tốt. Sau 1h đầu chào đời, bé nên được tiếp xúc với sữa mẹ ngay để được tận hưởng những những giọt sữa non quý giá, đồng thời giúp trẻ cảm nhận được hơi ấm thương yêu từ cơ thể người mẹ.

Cho trẻ bú mẹ sớm cũng đóng vai trò rất quan trọng trong sự tiết sữa. Khi trẻ bú mẹ, sữa non trong bầu ngực được giải phóng khiến bầu ngực trở nên trống rỗng. Lúc đó, tuyến sữa của mẹ sẽ tự động tiết thêm sữa để lấp đầy những khoảng trống đó, thật kỳ diệu phải không nào?

Tư thế cho bé bú

Trong thời gian đầu nuôi con bằng sữa mẹ rất nhiều chị em cảm thấy khó khăn khi không biết đâu là tư thế cho bé bú đúng nhất! Có nhiều tư thế cho mẹ chọn nhừng thường có 4 tư thế cơ bản được khuyên dùng nhiều nhất là tư thế bế ru thuận tay, bế ru ngược tay, tư thế ôm trái banh và tư thế nằm nghiêng. Các mẹ nhớ nhé, trong khi cho con bú, mẹ nên thay đổi các tư thế khác nhau để các khớp cơ và xương được thư giãn.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ

 

Để bé ngậm bắt núm vú đúng cách

Nếu để bé ngậm bắt núm vú đúng cách, trẻ sẽ bú được nhiều sữa hơn, nuốt dễ dàng hơn, mẹ cũng không có cảm giác đau nhói ở đầu vú. Ngược lại, nếu trẻ ngậm bắt núm vú sai cách sẽ khiến thời gian bú khá lâu mà trẻ không được bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ, tăng cân chậm. Trong khi đó, mẹ bị đau đầu vú, nứt núm vú, giảm lượng sữa thậm chí là tắc tia sữa.

Để cho con ngậm bắt núm vú đúng cách không khó, mẹ hãy quan sát thấy hai má của bé phồng, cằm chạm vú mẹ. Môi dưới của bé đưa ra ngoài, ngậm quầng vú bên dưới nhiều hơn bên trên.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Thời gian của mỗi cữ bú

Tùy từng giai đoạn phát triển của bé, thì tiêu chuẩn thời gian cữ bú sẽ có sự thay đổi nhé! Với trẻ sơ sinh cần từ 15 – 20 phút/ cữ. Khi trẻ phát triển thì chỉ cần hơn 10 phút là bé đã no bụng rồi!

Trong cữ bú của trẻ, cần chú ý cho trẻ bú hết một bên ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại. Chẳng hạn ở cữ bú này, mẹ bắt đầu từ bên ngực phải thì ở cữ bú sau, mẹ cần bắt đầu ở bên ngực trái.

Thực tế có nhiều mẹ cho con bú chưa hết một bên ngực nhưng đã chuyển sang bên còn lại! Thói quen này sai và ảnh hưởng đến tuyến sữa, lượng sữa sẽ bị ít dần thậm chí là mất sữa nhé!

Cữ bú của bé cần phải linh hoạt

Thông thường cứ 3 tiếng thì mẹ nên cho bé bú 1 lần. Nhưng mẹ không nên thực hiện việc này quá cứng nhắc nhé! Khi nào thấy bé tóp tép miệng đòi ăn, mẹ hoàn toàn có thể cho bé bú ngay cũng được. Nếu trẻ đói quá không được ăn, bé sẽ mệt, cáu gắt, không chịu bú mẹ nữa.

Trong trường hợp bé ngủ li bì hơn 3 tiếng thì mẹ nên nhẹ nhàng đánh thức trẻ và cho trẻ bú. Nếu mẹ không cho con bú trẻ có thể bị chậm lớn, lượng sữa tiết ra giảm dần vì nhu cầu của con giảm xuống.

Không nên cho trẻ uống sữa công thức quá sớm

Với các bé dưới 1 tuổi thì không có nguồn dinh dưỡng nào tốt hơn sữa mẹ đâu. Các mẹ không nên thấy con nhà người ta dùng sữa công thức, tăng cân nhanh mà vội vàng áp dụng luôn nhé! Trong 6 tháng đầu đời, để tốt cho sự phát triển, các bé nên được ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cho trẻ sử dụng sữa công thức quá sớm có thể khiến trẻ bỏ bú mẹ hoặc gặp phải một số rắc rối như táo bón hoặc dị ứng đạm sữa bò.

Vắt sữa đều đặn

Nuôi con bằng sữa mẹ, để bé bú trực tiếp là tốt nhất. Nhưng vì nhiều lý do, các mẹ cần phải thực hiện việc hút sữa.Trong trường hợp này, mẹ cần phải hút sữa thường xuyên, theo cữ. Việc này sẽ giúp mẹ tránh được tình trạng tắc sữa đồng thời kích thích tuyến sữa tiết ra nhiều hơn. Nếu hút sữa bằng tay đau, mẹ nên chọn một máy hút sữa bằng điện xem sao nhé!

Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý

Để có nguồn sữa tốt và dồi dào mẹ cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Chế độ ăn uống không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa hoặc sữa bị ít, con bú mẹ chậm lớn, chậm tăng cân. Ngoài ra chế độ nghỉ ngơi cũng rất quan trọng. Trong thời gian cho con bú, chị em cần nghỉ ngơi và thư giãn, không thức khuya.

Hy vọng với bài viết này sẽ giúp chị em cảm thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ không hề khó! Nếu cần tư vấn gì thêm các bạn hãy comment bên dưới, mình sẽ hỗ trợ ngay nhé!

Viết một bình luận

""